CHÚT HOÀI NIỆM VỀ SÀI GÒN XƯA 

.

Là người Sài Gòn, người ta thường nhớ gì ở Sài Gòn nhất? Một khoảng lặng trôi qua. Có lẽ sự hồi tưởng đang trở lại trong đầu những người bạn nay tóc ngả hai màu. Có người nhớ tiếng rao trên đường phố, nhớ tiếng ồn ào trong khu xóm lao động, nhớ cảnh nhộn nhịp Sài Gòn dịp Tết những ngày còn thơ, nhớ những cuộc tình lang thang dưới vòm me xanh lá trên con đường Duy Tân đầy bóng mát, nhớ nhiều thứ lắm… Nỗi nhớ ùa về như cơn gió thoảng rồi qua. Nhưng với tôi những con đường góc phố Sài Gòn vẫn còn đọng lại mãi mãi.

.

Ðầu tiên tôi nhớ góc bùng binh Quách Thị Trang, nơi lần đầu tuổi nhỏ được ba tôi dẫn đi ngao du thành phố Sài Gòn. Quách Thị Trang là ai, biết để làm gì. Cái chợ Bến Thành treo đầy biển quảng cáo hình kem đánh răng anh Bảy Chà Hynos và Perlon kín chợ chẳng có gì đẹp. Chợ cũng chẳng làm tôi nhớ, bởi đi chơi Sài Gòn nhưng ba tôi chẳng ghé vào ăn. Ði chơi khơi khơi, mỏi chân ngồi nghỉ trên băng ghế xi măng giữa công viên thưa thớt cây xanh và chung quanh trang trí vài bồn hoa sặc sỡ. Ngồi đây nhìn ngắm phố phường Sài Gòn bốn phương tám hướng. Nhìn dòng xe xuôi ngược, những dòng người tay xách nách mang hành lý băng qua cầu thang sắt ngang đường đến ga xe lửa về quê, những người buôn thúng bán bưng ngồi chật phía ngoài cửa chợ cất cao tiếng rao mời khách, những đứa trẻ đành giày, bán báo dạo lăng xăng đánh bóng mấy đôi giày “botte de sault” của mấy anh lính Mỹ.

.

Tôi may mắn hơn mấy đứa trẻ cùng trang lứa đó. Và tôi cố tìm trong những đứa đánh giày xách thùng đi trong công viên trước chợ một hình dáng thân quen. Tự nhiên lúc đó tôi nhớ thằng Hên người bạn nhỏ nhà xóm bên mới học lớp ba đành bỏ học đi bụi đời. Chừng tuổi ấy ra đời có thể làm gì kiếm sống? Hoàn cảnh gia đình nó không đến nỗi tan hoang khi tự dưng ba nó bỏ nhà theo vợ bé, má nó cũng không vừa bỏ mặc đám con sống chết tự lo đi buôn chuyến xe hàng dài ngày, cả tháng mới về nhà năm ba bữa. Rồi tôi nghe hàng xóm nói thằng Hên bỏ nhà ra đi, mới tí tuổi đầu mà lá gan to bằng người lớn. Thỉnh thoảng tôi ghé ngang dò la tin tức nhưng lúc nào cửa nhà cũng đóng im lìm.

Nhớ gì ở Sài Gòn nhất?

Thế là tôi mất một thằng bạn nhỏ chơi bắn bi, nó sống ở đầu đường xó chợ khiến lòng tôi ngậm ngùi, chợt nhớ đến bài hát “Nó” văng vẳng đâu đây: “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo. Ngày nó sống kiếp lang thang. Ngẩn ngơ như chim xa đàn, Nghĩ mình tủi thân muôn vàn”.

.

Hồi nhỏ tôi không thích bài hát này, nghe như nỗi đau quất vào da thịt một đứa nhỏ nhưng sau này hiểu ra chút ít. Thời buổi đó, trẻ con mồ côi mất cha mất mẹ vì chiến tranh bom đạn, vô gia đình vì muôn vàn lý do đều có thể đẩy đứa trẻ ra ngoài đường phố. Lòng cảm thương cho thân phận nhỏ bé lặn hụp trong cuộc đời mà ông nhạc sĩ Anh Bằng viết nên lời nhạc buồn đó chăng. Xem ra thằng có cái tên Hên mà chẳng may chút nào.

.

Lớn lên chút xíu, tôi biết la cà trên đường phố sau những buổi tan học cuốc bộ về nhà. Trường tôi nằm ở quận 3, nên con đường Bà Huyện Thanh Quan bán đầy bò bía, chè đậu xanh đậu đỏ, là một địa điểm hấp dẫn giới học trò chúng tôi. Nhưng với tôi, con đường Trương Ðịnh cắt ngang gần đấy rất đỗi nên thơ, nhất là đoạn giữa gần trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long ngày trước) ra Công viên Tao Ðàn. Một con phố bình yên và rất lặng lẽ với những hàng dầu hàng sao rợp bóng.

.

Những hàng cây cao bóng mát này lại là ký ức đẹp, tôi mang hình ảnh đó vào bài tạp văn “Những hàng cây thị xã” trong một lần về thị xã Trà Vinh.

.

Mỗi khi có dịp đi qua tỉnh nào đó, tôi hay hỏi người bản xứ về cảnh đẹp địa phương. Hôm đến Trà Vinh, người đầu tiên tôi hỏi là chị chủ nhân khách sạn chỗ tôi trọ. Ðã gần nửa thế kỷ sống ở đất Trà Vinh, chị bảo trong thị xã không có cảnh gì đẹp ngoại trừ những ngôi chùa Tàu, chùa Việt và đặc biệt là chùa Khmer cổ kính.

.

Hôm sau, trên đường đến Trường Ðại học Trà Vinh, tôi hỏi một cô gái tuổi mười chín, đôi mươi. Sau vài phút do dự, cô cho tôi một câu trả lời thật bất ngờ: Những con đường rợp bóng cây xanh ở thị xã…

.

Ðúng vậy đó. Chiều dần buông, đứng ngoài ban công khách sạn nhìn về góc xanh thị xã thấy rõ những vạt nắng vàng vương trên tàn me làm những vòm lá trông thật mơ màng. Hình ảnh ấy đã quyến rũ tôi rời khách sạn thả bộ về hướng đó. Từ con đường Hàng Ðiệp bông trổ lấm tấm vàng, qua Hàng Sao cao vút đứng lặng thinh, bước lại Hàng Dầu um tùm lá chen lẫn màu hoa dầu hồng non ưng ửng. Dầu là loại cây rừng cho gỗ, thân có nhựa dùng để trét ghe rất tốt nên người ta cũng gọi là dầu rái, có người gọi là dầu dù. Trái dầu có hai cánh lá, nhưng nói là cánh hoa đúng hơn. Lúc còn non, chúng có màu hồng pha màu cà phê sữa, hạt lộ ở cuống hoa. Hạt non màu xanh có khía giống như hạt xí muội. Ðến cuối tháng Bảy thì trái dầu già khô lại. Trái cùng hai cánh hoa ngả sang màu nâu đất sét. Chỉ cần một chiều lộng gió, những cánh hoa già rơi khỏi cành mẹ bung ra như cơn mưa dù, xoay tít bay bay trong không trung mang theo chiếc hạt, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Hình ảnh đó trông thật thích mắt và luôn để lại ấn tượng cho nhiều người. Chẳng thế, hình ảnh cánh hoa dầu bay trong gió đã vào thơ vào nhạc:

Cánh hoa dầu xoay tít bay bay

Nhớ chiều nào, bên em từng giờ…

Dù chưa có được cái cảm giác hạnh phúc bên em như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nhưng những “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” ấy bay mãi trong ký ức tuổi học trò của tôi. Tôi biết được điều này là nhờ có lần được ba tôi dẫn đi Chợ Cũ Sài Gòn ăn phở. Từ nhà, hai cha con đi bằng xe ngựa, rồi lội bộ dọc theo đường Hồng Thập Tự vào vườn Tao Ðàn. Vườn Tao Ðàn ngày ấy rất vắng người, chỉ toàn cây dầu cao tít và tàn lá che mát cả một vùng rộng lớn. Ba đi trước, tôi theo sau, giẫm chân lên những chiếc lá khô xào xạc giống như những nhà thám hiểm trong một cánh rừng già. Bỗng ba tôi cúi xuống nhặt những trái có hai cọng lá khô, hỏi tôi có biết trái gì không, rồi ba tôi bảo quăng chúng lên trời. Kể từ sau đó, những trái dầu dù theo tôi đến lớp cùng chúng bạn thả từ lầu ba xuống chào đón ngày khai giảng năm học mới, khi những cánh phượng hồng đã rời xa mùa hạ. Những cánh hoa dầu bay bay không mất tiền mua của lũ nam sinh chúng tôi đã làm bọn con gái học trò thích mê…

.

Tất nhiên nỗi nhớ nơi mảnh đất mình sinh ra và lớn lên của mỗi người đều rất nhiều và mỗi người có quyền lựa chọn những hình ảnh ký ức đẹp đẽ nhất. Cái đẹp làm tâm hồn lắng đọng cho ta khoảnh khắc bình yên giữa nhịp sống hối hả xôn xao của chốn thị thành. Có người chẳng thèm nhớ con hẻm nhỏ ngày xưa nơi sinh ra và lớn lên như anh bạn của tôi. Anh bảo ghét lắm cái xóm lao động đã nghèo mà còn hay sanh sự, đánh lộn nhau hà rầm. Người bên ngoài nghe đi vào xóm Miếu Nổi là sợ bọn lưu manh. Anh thích những con hẻm ngoài phố trung tâm bên hông đường Hàm Nghi hay các con hẻm của người Tàu Chợ Lớn trên đường Trần Hưng Ðạo, Ðồng Khánh. Những con hẻm đó bình dị và hiền lành khác xa hẻm lao động xô bồ xô bộn.

.

Thế nhưng khi nghe tôi hỏi chuyện xóm nhỏ Miếu Nổi ngày xưa thì anh kể ngàn chuyện lẻ một không hết. Anh nhớ từ góc phố con hẻm xưa với một tâm hồn trẻ trung và rộng lượng. Dường như anh yêu mảnh đất mình “ghét bỏ” hơn bao giờ. Bởi vì khi cái gì mất đi hay xa rồi mới làm lòng ta hồi tưởng và càng yêu mến hơn. Chẳng thế mà nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.

(Theo Nguyễn Trang )

÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷

2. HOÀI NIỆM THUỞ XƯA– Từ ngữ miền nam

(St từ fb Tam Doan Van)

Chữ  C 

1-Chàng hãng chê hê = banh chân ra ngồi (Con gái con đứa gì mà ngồi chàng hãng chê hê hà, khép chưn lại cái coi!)

2-Cháy túi = hết tiền

3-Chạy, Dọt, Chẩu = đôi khi cũng có nghĩa là đi về (thôi tụi bây ở chơi tao chạy (dọt) trước à!) Chẩu: 走  nguyên gốc âm lấy từ tiếng Quảng Đông

4-Chạy te te = chạy một nước – Con nhỏ vừa nghe Bà Hai kêu ra coi mắt thì nó xách đích chạy te te ra đằng sau trốn mất tiêu rồi

5-Chạy u đi

6-Chạy tẹt ga, đạp hết ga= kéo hết ga, hết sức – cũng có nghĩa là chơi thoải mái – “mày cứ chơi “tẹt ga” (mát trời ông địa) đi, đừng có sợ gì hết, có gì tao lo” (ga = tay ga

6-Chạy vắt giò lên cổ, Chạy sút quần, Chạy đứng tóc = chại không kịp thở

7-Chằn ăn trăn quấn = dữ dằn

9-Chăm bẳm = tập trung (dòm cái gì mà dòm chi chăm bẳm vậy?

10-Chậm lụt = chậm chạp, khờ

11-Chận họng = không cho người khác nói hết lời

12-.Chém vè (dè)= trốn  trốn cuộc hẹn trước

13-Chèn đét ơi, mèn đét ơi, chèn ơi, Mèn ơi = ngạc nhiên

14-Chèo queo = một mình (làm gì buồn nằm chèo queo một mình dậy?)

15-Chết cha mày chưa! có chiện gì dậy? = một cách hỏi thăm xem ai đó có bị chuyện gì làm rắc rối không

16-Chình ình, chần dần = ngay trước mặt (Nghe tiếng gọi thằng Tư quay đầu qua thì đã thấy tui chình ình trước mặt)

17-Chì = giỏi (anh ấy học “chì” lắm đó).

18-Chỏ mũi, chỏ mỏ= xía, xen vào chuyện người khác

19-Chỏng mông = mệt bở hơi tai (làm chỏng mông luôn đây nè)

20-Chột dạ = nghe ai nói trúng cái gì mình muốn.

Chữ : G

1. Gác dan = bảo vệ, người gác cổng (gốc Pháp: Guardian)

2. Gần xịt = thiệt là gần

3. Ghẹo, chòng ghẹo = chọc quê

4. Ghét = tùy cách nhấn giọng và kéo dài  thì…. ghét chưa chắc đã ghét mà chỉ là câu nói thể hiện thương, hay chấp nhận nữa hổng chừng. Ngó nó mà thấy ghét ghê ê ê ê.! (ghét thương) chớ hồng phải NHÌN (giọng Bắc) thấy ghét. Dòm cái bản mặt nó mà phát ghét (ghét thiệt)

5. .Ghê = rất – hay ghê há tùy theo ngữ cảnh và âm điệu thì nó mang ý nghĩa là khen hoặc chê

6. Ghệ linh= em đẹp

7. Gớm ghiết = nhìn thấy ghê, không thích

8. .Già dịch = Già dê

9. Già háp = già khằn, già cú đế

10. .Giục giặc, hục hặc = đang gây gổ, không thèm nói chuyện với nhau (hai đứa nó đang hục hặc!)

11. .Ghi-đông, Bọt-ba-ga

Chữ :H 

12. Hãng, Sở = công ty, xí nghiệp

13. Hay như = hoặc là

14. Hầm = nóng (trời hầm quá ngồi không mà người nó đổ mồ hôi ướt nhẹp)

15. Hầm bà lằng (gốc tiếng Quảng Đông);

16. Hậu đậu = làm việc gì cũng không tới nơi tới chốn

17. Héo queo = xụi lơ, bi xị

18. Hết = chưa, hoặc chỉ nâng cao mức độ nhấn mạnh (chưa làm gì hết)

19. Hết trơn hết trọi = chẳng, không – “Hết Trọi” thường đi kèm thêm cuối câu để diễn tả mức độ (Ở nhà mà hổng dọn dẹp phụ tui gì hết trơn (hết trọi) á!)

20. Hôi mợi= thôi mày ơi

21. Hồi nảo hồi nào = xưa ơi là xưa

22. Hồi nẳm = lâu lắm rồi không nhớ ngày tháng

23. .Hổm bữa = hôm trước

24. Hổm rày, mấy rày = từ mấy ngày nay

25. Hổng có chi! = không sao đâu

26. Hổng chịu đâu

27. Hổng thích à nhen!

28. .Hổng xi nhê = không ăn thua,  không có ý nghĩa gì hết , (Kiếm nhiêu đây tiền đâu có xi nhê gì) gốc pháp: Signifier

29. Hột = hạt (hột đậu đen, đỏ) miền nam ghép cả Trứng hột vịt thay vì chỉ nói Trứng vịt như người đàng ngoài

30. Hờm = chờ sẵn (tui hờm sẵn rồi chỉ chờ thằng kia nó chạy ra là tui cho nó một đá cho nó lăn cù mèo luôn)

31. Hợp gu = cùng sở thích

32. Hớt hơ hớt hãi = hấp tấp và sợ hãi (nó hớt hơ hớt hãi chạy vào báo tin….)

33. Hú hồn hú vía

Chữ : K

1. .Kẻo = coi chừng (Trời ui ui! giờ không đi sớm kẻo trời nó mưa là ướt chèm nhẹp luôn đó nhe)

2. Kể cho nghe nè! = nói cho nghe

3. .Kêu gì như kêu đò thủ thiêm = kêu lớn tiếng, kêu um trời,…. xem thêm bài kêu đò thủ thiêm

4. Kêu giựt ngược = kêu gấp bắt buột người khác phải làm theo ý mình (kêu cái gì mà kêu như giựt ngược người ta hà!)

5. Kinh thiên động địa

6. Khán thính giả (người xem kịch, cải lương, truyền hình,…) trong đó Khán (看): xem – Thính (聽): nghe,  giả (者): người, tổng hợp lại là người nghe nhìn, giờ thì kêu ngắn gọn là khán giả: chỉ biết xem mà không nghe được, đỡ cãi

7. khính = ké – mặc đồ khính, đi ăn khính

8. Khỉ đột

9. Khỉ gió

10. Khỉ khô

11. Khó ưa = chê nhưng có lúc lại là khen. (Mặt thằng nhỏ khó ưa quá hà!)

12. Khoái tỉ = thích gần chết

13. Không thèm = không cần (làm gì dữ dạ tui đâu có thèm đâu mà bày đặt nhữ qua nhữ lại trước mặt tui?)

Chữ : L

14. Lâu lắc= chậm trễ, trễ nãi hàm ý trách móc (Kêu hoài sao ko mở cửa, làm gì trong trỏng mà lâu lắc vậy?)

15. .Lai căng = không nguyên bản

16. Làm (mần) cái con khỉ khô = không thèm làm

17. Làm (mần) dzậy coi được hông?

18. Làm dzậy coi có dễ ưa không? = một câu cảm thán tỏ ý không thích/thích tùy theo ngữ cảnh

19. Làm gì mà toành hoanh hết zậy

20. Làm mướn = làm thuê

21. Làm nư = lì lợm, Làm cho lợi gan

22. Làm ùm lên = làm lớn chuyện

23. Lán cón = bảnh bao (có thể do hồi xưa ra đường chải đầu tóc bóng mượt, đánh giày bóng như gương, quần áo thẳng thớm nên ra từ này)

24. .Lanh chanh

25. Lạnh xương sống

26. .Lao-cần (cách dùng từ của Ông Nguyễn Văn Vĩnh có gạch nối ở giữa)

27. Láo-háo = khoảng chừng ( tuổi nó láo háo cở tuổi tao chứ mấy)

28. Lao-tổn (cách dùng từ của Ông Nguyễn Văn Vĩnh có gạch nối ở giữa)

29. Lặc lìa = muốn rớt ra, rời ra nhưng vẫn còn dính với nhau chút xíu

30. Lặc lìa lặc lọi

31. Lắm à nhen = nhiều, rất (thường nằm ở cuối câu vd: thương lắm à nhen)

32. .Lăn cù mèo = lăn long lóc, té ngữa

33. .Lắt lư con lạc đà = nghiêng qua nghiêng lại

34. Lầm lầm lì lì = không nói không rằng mặt nghiêm tỏ ý không thích

35. .Lần = tìm kiếm (biết đâu mà lần = biết tìm từ chỗ nào)

36. Lần mò = tìm kiếm, cũng có nghĩa là làm chậm chạm (thằng tám nó lần mò cái gì trong đó dậy bây?)

37. .Lấy le = khoe đồ

38. Lẹt đẹt = ở phía sau, thua kém ai ( đi lẹt đẹt! Lảm gì (làm cái gì) mà cứ lẹt đẹt hoài vậy)

39. Leo cây; leo cây me = thất hẹn; Xong! nãy giờ chờ thấy bà, chắc thằng Tám nó cho tụi mình leo cây rồi!

40. .Lèo = thất hẹn – hứa lèo

41. .Lề mề

42. .Lên bờ xuống ruộng

43. Lên hơi, lấy hơi lên = bực tức (Nghe ông nói tui muốn lên hơi (lấy hơi lên) rồi đó nha!

44. Liệu = tính toán (thằng Ba liệu coi đi sớm một chút kẻo bị kẹt xe thì lỡ hết chiện đó nhen!)

45. Liệu hồn = coi chừng

46. Líp-ba-ga = mút mùa Lệ Thủy, thoải mái

47. Lóng rày = hổm rày  (thời gian gần đây)

48. Lô = đồ giả, đồ dỡ, đồ xấu (gốc từ chữ local do một thời đồ trong nước sản xuất bị chê vì xài không tốt)

49. .Lộn = nhầm (nói lộn nói lại)

50. Lộn xộn = làm rối

51. .Lục cá nguyệt: sáu tháng. Ví dụ: Nộp báo cáo sáu tháng một lần: Nộp báo cáo lục cá nguyệt.

52. Lục đục = không hòa thuận (gia đình nó lục đục quài), đôi khi lại có nghĩa khác (Làm gì lục đục ở sau bếp hoài vậy bây?)

53. .Lụi hụi = ???? (Lụi hụi một hồi cũng tới rồi nè!)

54. Lùm xùm = rối rắm,

55. .Lung tung xà beng

56. Lừng mặt = quen quá không còn sợ nữa (Chơi với nó riết nó lừng mặt mình luôn nhen)

57. .Lười chẩy thây; đại lãn; liệt = làm biếng

÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷

3.NAM BỘ

GIỌNG NÓI MIỀN NAM

Tiếng nói Miền Nam, yêu thương Lục Tỉnh.

Nếu ở Bắc kỳ thì giọng Hà Nội khác Hải Dương, Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Nhiều khi xứ này nói xứ kia có thể rất khó hiểu.

Nhưng tại Nam Kỳ thì tiếng Sài Gòn và tiếng các tỉnh thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa, tức là toàn Miền Nam thì lại y chang nhau, 

tức cùng chung tiếng nói không khác nhau nhiều lắm.

Người Nam Kỳ cùng kêu chiếc xe đò, cái bến bắc, cái cầu quây, nồi canh chua, cọng bạc bà và chén cơm, 

uống cái chung rượu, quậy ly cà phê và bực quá "xáng" hoặc "táng" một bạt tay vô mặt ...người đối diện.

Sáng sớm bửng, mới lụi hụi mở cái cửa đặng mà hít khí trời, tai đã nghe mấy bà bạn hàng ngoài lộ cái rân trời.

"Dì Hai ơi! Bi nhiêu một ký cá lóc cửng này dzậy hả dì?"

Dân Nam Kỳ phân cá lóc ba loại, 

cá lóc bự là loại lớn nhứt, 

cá lóc cửng(*) là loại vừa cườm tay, 

lòng ròng là cá lóc con mới đẻ. 

Ai rành ăn thì luôn chọn cá lóc cửng chiên và làm khô là ngon nhức nhối.

Còn các loại cá khác thì có loại bự và loại "don don", 

don don là không lớn, không nhỏ.

Người Miền Nam nói chuyện hay đệm chữ "xí" khi thể hiện tình cảm. 

Chàng trai năn nỉ người yêu, 

nàng mím môi "xí" một cái là đang giận, còn bạn bè xí lại là có khi ghét.

Còn có "xí hụt", "xí được" nữa. 

Xí hụt là làm cái gì lỡ hụt, 

xí được là lượm được, 

người Nam không nói lượm mà nói là "lụm".

Khi diễn tả cái gì "trầm trọng" 

dân Nam hay xài từ "bung nóc" 

hoặc "bung (banh) nhà lồng chợ". 

Thí dụ thấy làm đồ nhậu nhiều quá la lên "Nhậu bung nóc bây ơi". 

Ai xấu quá thì

 "xấu banh nhà lồng chợ".

Bung hay banh là banh chành té bẹ, banh ta lông 

"Ầu ơ...!

Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành

Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em"

Người Miền Nam kêu xe đò, xe lửa, 

xe hơi, xe cam nhông, xe con cóc.

Trong số đếm cái cuối cùng dân Nam sẽ nhứt định kêu là "chót". 

Kể nè, nải chuối chót là nải chuối cuối quày nên nhỏ xíu, ốm nhom ốm nhách.

Con cái đẻ thì năm một, 

thằng bé Hai, con bé Ba tới con bé Mười, chưa hết, còn thằng út, 

mà Út mà còn lòi ra Út Nữa, Út Thêm, Út Rồi, Út Mót, Út Vét, tới Út Chót mớt xong nha hôn.

Xe chuyến cuối, đò chuyến cuối, 

máy bay chuyến đêm buồn ngủ thấy tổ kêu là "chuyến chót".

Ông kia lấy vợ mà ly dị hai ba bận, 

bận mời cưới gần nhứt bà con hỏi "Chuyến này chót hén chú  Bảy?". 

Bảy trả lời :

"Hông biết à nghen"

Chuyến xe chót có gì vui? 

Có sự quyến luyến và dùng dằng khi chia tay, 

nó có chút mùi lãng mạn kiểu Quỳnh Dao.

-Cho tui nói ảnh chút chuyện nữa

-Anh đi mạnh giỏi nha anh, 

nhớ biên thơ về cho em nha anh!

-Thôi em về đi, nghe hôn em, 

để anh đi, nói giùm anh gởi lời chúc má ở nhà mạnh giỏi.

Khi đọc thư tịch Miền Nam, 

phận con cháu chúng ta rất vui khi nghe cách ông bà mình nói chuyện kiểu bình dân.

Người Bắc hay nói "chết bỏ bu"

và "bỏ mẹ" 

Tú Xương có bài thơ:

"Sơ khảo khoa này có Cử Nhu

Thật là vừa dốt lại vừa ngu

Văn chương đâu phải là đơn thuốc

Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu"

Nam Kỳ thì thẳng luôn,

là "chết mẹ" hoặc "chết cha", 

"thấy ông bà ông vãi", "thấy mồ tổ."

"Cha già con mọn chơi vơi

Cha làm chết mẹ, con chơi tối ngày"

"Chết mẹ" là một từ đệm, 

thêm thắt vô những câu cảm thán.

Dân Lục Tỉnh như đã nói không thích rào đón trước sau, nói là vô thằng cái rột, cái ót. 

Cũng không nói uốn lưỡi 

"tròn vành rõ chữ". 

Thành ra quen phát âm "r" thành "g", "tr" thành "ch" hết ráo.

Thí dụ: 

Tao nói dõ dàng dồi sao mày không nghe dậy hả mậy? 

- Chị quởn quá hà, ngày nào cũng nói, nghe muốn điếc con ráy người ta hà. Nói gì mà quá chời quá đất.

- Con lạy bà nụi. Nói vậy mà mày còn chưa thấm cái mốc xì gì đó. 

Mày hông hiểu ráo trọi gì hết hà.

Vốn lòng dạ thẳng ngay, 

luôn hạ mình xuống để nâng người đối diện lên, biết thương người đồng cảnh, đồng loại, nhìn ra cùng một phương đặng mà cùng kiếm chén cơm manh áo. 

Người Miền Nam luôn thiệt bụng, 

thiệt lòng, không lòng vòng và gài bẫy bằng lời nói người đối diện.

Trong cách nói thường ngày, 

ta sẽ thấy chữ "thiệt" được xài rất nhiều. 

Chàng đi ghe bầu thích nàng bán vàm, chàng hỏi:

"Anh đây muốn hỏi thiệt nàng

Là trai Thạnh Phú cưới nàng được không?"

Nàng đáp lời:

"Thương anh ăn nói thiệt thà

Theo anh may rủi gọi là hên xui"

Trong những lời tỏ tình nam nữ ngày xưa, ông bà mình luôn bày tỏ

"qua thiệt có tình thương với em hai"

Nếu bạn quen người Sài Gòn bạn sẽ nghe hai chữ "Thiệt hôn?" rất nhiều lần.

Trong những bữa cơm, bữa tiệc, 

giỗ quảy ở Miền Nam, 

gia chủ luôn ép khách phải ăn no bụng bằng câu 

"Em ăn thêm nữa cho thiệt no đi" 

“Hôm nay có đám giỗ gần

 Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”

Tiêu chuẩn để xài người, thực hiện lời nói của người Miền Nam là trên tinh thần "thiệt", thành ra họ rất ghét người giả dối, đánh vòng, léo quéo tư cách.

Khi nghe bà con mình nói

 "Để thủng thẳng tao tính" 

khi đi đòi nợ là hiểu là họ không có tiền trả rồi, không có tiền thì đòi bất tử quá tiền đâu mà trả liền.

Xin nhấn mạnh, người Miền Nam không xài vần "ênh" như người Bắc, Nam Kỳ là "inh" và nhứt định là "inh" và "anh"

Thí dụ: 

Sanh đẻ, sanh linh, sanh nhựt

Rồi bị bịnh, lịnh ông lịnh bà, 

ra lịnh, tiếp nghinh, nghinh ngang, kinh rạch, thác gành. 

Rồi "minh mông", phui pha, nươm nướp, cháng váng, lè lẹt…

Nhớ là Nam Kỳ tính "ngàn" chứ không nghìn nha chưa? 

Bằng chứng là về Hậu Giang sẽ thấy bạt ngàn địa danh "Ngàn". 

Đi đọc kinh Xáng Xà No là một loạt địa danh “Ngàn”, từ Một Ngàn tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi.

"Cái rầm" là một từ diễn tả khá thông dụng của người Miền Nam 

"Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm

Búa xua  ông tham biện, bạc tiền ông để ở đâu?"

(Thơ cậu Hai Miêng)

Xin hãy đọc lại một đoạn trong tuồng cải lương "Tiếng hò sông Hậu" để thấy hơi hám Miền Nam đậm đặc trong đó.

"Tiếng hò sông Hậu"

là tuồng sau 1975 tố cáo cái ác của điền chủ, chúng ta không bàn về cái "tuyên giáo" của nó, xin mượn ngôn ngữ Miền Nam thôi.

"-Ông hội đồng Dư : 

Thừa hả? Ê mầy tên Thừa hả? 

Thừa đây có nghĩa là  “thừa nước đục thả câu”, phải hông mậy?

Thừa: 

-Dạ hông. Dạ thừa là dư đó chớ

Ông gội đồng: 

-Dư… Tổ cha mầy

Thừa: 

-Ủa. À, tui dốt nát, tui cắt nghĩa  cái tên cúng cơm của tui như vậy đó, nó không đúng hay sao mà tất cả đều ngạc nhiên.

À… hay là cái tên của tui nó có nghĩa gì vô duyên. 

Tía tui thì ổng tên Đủ, mà thiếu mãi quanh năm, không đủ mặc, đủ ăn. … rồi ổng mới đặt cho tui cái tên Thừa là cầu tài cầu vận, là điều mong mỏi cho con, được hơn cha đổi thay số phận, lớn lên làm ăn khá giả, dư ăn, dư để như người.

Hương quản: 

-Ý… Trời… Trời… Ý… Trời …. Trời… 

Ê cái thằng du côn ở đâu đó. 

Mầy dám nghinh ngang vô phép sỗ sàng

 Thừa: 

-Tui vô phép hồi nào?

 Cặp rằn Lựu: 

-Mầy dám hỗn hào là dư nọ, dư kia. Ông cố nội mầy ngồi đây nè, mà mầy giả ngu không kiêng cử, e dè.

Ông hội đồng: 

-Tao là Hội đồng Dư đây nè. 

Mầy có đủ, có thừa cũng mặc kệ, ông nội cha bây

Thừa: 

-Dạ, ông Hội chửi tới ông nội tui rồi đó. Dạ, ông nhắc thì tui mới dám nói hà. Ông nội tui cũng tên Dư. 

Ổng tên Dư mà sao suốt… đời ổng dư hổng nổi. 

Tía tui thì tên Đủ nhưng mà chẳng đủ bao giờ. 

Tới tui tên Thừa nhưng mà vẫn thiếu.”

Nhớ câu vọng cổ rặc ròng hơi hám Lục Tỉnh xứ mình:

“Tôi là trai xứ Long Xuyên, 

vườn xanh nước bạc, cũng là bạn nắng mưa của ruộng đồng bát ngát Rạch Giá, Ba Xuyên. 

Nhưng mà vườn thì của ai đâu, 

ruộng thì của chủ điền. 

Riêng mình cũng không có đất để cặm dùi, đúng hơn là mình hông có dùi mà cặm đất với người ta. 

Làm chết mẹ chết cha cũng ra thằng Thừa. Thừa đây là thừa sức ngựa trâu. Quần còn lưng vận, áo còn bâu cũng cày bừa” 

Trong "Nửa đời hương phấn" ta thấy các nhân vật cũng đậm đà bản chất người Sài Gòn xưa 

"Dẫu biết em có thành hôn với dượng Ba đây hay là với bất cứ ai đi nữa, thì chị cũng về với … em. 

Để mừng ngày em xuất giá, 

cho vui lòng ba với má. 

Chị cũng được nở mặt nở mày với lối xóm bà con"

Đoạn đối đáp của Sài Gòn những năm 1965 

"Chú Năm: 

-Hương! Phải Hương không Hương? 

Hương:   

-Chú

Chú Năm: 

-Chú biết thế nào rồi bây cũng về mà

Hương: 

-Ủa? Bữa nay chú Năm không có đi chạy xe sao chú Năm?

Chú Năm: 

-Tao bịnh. Sổ mũi, làm xe rác mấy năm rồi mà sao lỗ mũi tao chưa quen hổng biết nữa

Hương:  

-Rồi bây giờ chú đi đâu đây?

Chú Năm: 

-Vô sở nhắm coi có phát lương chưa đặng lãnh nè. 

Còn bây? Con đi đâu vậy? 

Hai mươi ngày nay tự nhiên bỏ nhà đi khan vậy?"

Tuồng" Tiếng hạc trong trăng" của soạn giả Loan Thảo, Yên Ba mang màu tuồng Tàu mà ngôn ngữ của Miền Nam 

  “Xuyên Lan: 

-Bình Thiếu Quân ơi! Còn mưa hông anh?

Thiếu Quân: 

-Ờ… mưa… lắc rắc thôi.

 Xuyên Lan: 

-Em lạnh quá hà!

 Thiếu Quân: 

-Để anh đốt lửa cho em sưởi, 

rồi anh đi nghen.

 Xuyên Lan: 

-Đốt lửa trong nhà người ta, 

người ta hổng rầy sao?

Thiếu Quân: 

-Rầy cái gì, người ta bỏ rồi mà.

 Xuyên Lan: 

-Sao người ta cất nhà, người ta hổng ở, người ta bỏ đi vậy anh?

 Thiếu Quân: 

-Ờ… mờ… Chắc tại ở đây làm ăn hổng khá cho nên người ta phải đi nơi khác tìm kế sanh nhai.

Xuyên Lan: 

-Đi chỗ khác người ta giàu hông?

 Thiếu Quân: 

-Ờ… Giàu chớ!

 Xuyên Lan: 

-Sao anh biết? Anh có gặp người ta hông?

Thiếu Quân: 

-Ơ… Trời ơi, làm sao em hỏi cù nhây cù nhưa hoài vậy. Nè anh đã nhen bếp lửa hồng rồi nè, em xích lại gần đây mà sưởi ấm đôi tay đi!

Xuyên Lan:  

-Dạ!"

Kết bài này, mời mọi người coi ông Hồ Biểu Chánh tả cảnh chiều mưa nè, nghe rưng rức 

"Một buổi chiều, trời mưa rỉ rả, gió thổi lao xao. Hiệp nằm trên bộ ván gõ nhỏ, ngó ra cửa sổ, thấy hột mưa lác đác, hột nầy tiếp hột kia, như giọt nước mắt của trời nhỏ xuống, rồi lại thấy ngọn cây phía bên kia đường quặt xuống, ngóc lên như ai xô, ai đẩy, thì lòng ngao ngán, trí bàng hoàng"

Mỗi khi ngồi nhắc lại ngôn ngữ Miền Nam có lẽ ai cũng bổi hổi bồi hồi, 

tâm hồn xao động dữ dội. 

Tình cảm con người gắn với đất, 

với xứ, với những gì mà chúng ta nói với nhau hàng ngày, đó là sợi dây thắt lòng người Miền Nam với nhau cho bền sâu gốc rễ vậy.

"Cuối trời, trong tháng năm liêu tịch

Khao khát chân mây ửng nắng hồng

Canh vắng chong đèn soi quá khứ

Viết thời biển lặng tiếp sông trong".

Nguồn fb Nguyễn Gia Việt.

(*) cá trào

NT5NDLE

÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷÷

4. Saigon "xưa"

FB Nhat Nguyệt 

Có bao giờ các bạn tự hỏi, tại sao gần nửa thế kỷ qua, rất nhiều người trong chúng ta vẫn nhắc nhớ đến Sàigòn trong niềm nuối tiếc đẫm lệ?

NGƯỜI SAIGON…XƯA!!!

Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học.

Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y.

Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.

Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm, cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám, vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ. Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thỉnh thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.

Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. 

''Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.''

Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.

Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn rán vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: “Xích lô !”. 

Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: 

“Anh chị đi đâu ?”.

– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu ?

 Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: 

“Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho”.

Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: 

“Mười lăm đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường”.

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: 

“Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm”.

Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: 

“Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà !”. 

Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.

Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy !

Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào 

Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ, lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: 

“Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá !”.

Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. 

Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.

Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí.

Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn. Sẽ có nhiều người bảo cái ly nhiều người uống, bẩn chết đi được, nhưng không biết họ có cách nào hay hơn ? (mua ly giấy, uống xong vứt…. mời các người ấy về Sài Gòn mua ly giấy cho khách thập phương dùng).

 Có người đã phát giác, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống, hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn !.

Bi giờ còn vậy nữa không ? Cũng còn, nhưng mà nếu bạn không gặp người như vậy ở Sài Gòn là vì những người mà bạn gặp đó không phải là người SàiGòn !

Tui hỏi anh cyclo :

“Đạp từ rạp Rex về cầu Chông (nhà tui) giá bao nhiêu ?”. 

Anh nói “20 ngàn”. Tui nói “30 ngàn thì tui mới đi”. 

Anh cyclo lập lại “20 ngàn”. Tui cũng nói như cũ. 

Anh cyclo tưởng tui là thằng này khùng và nói “Thôi lên xe đi”. 

Đến nhà, tui đưa anh 30 ngàn và cám ơn. 

Năm 1978 khi ra tù tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh cyclo đến hỏi tui :

“Về đâu ?”, 

nhưng khi nhìn thấy bộ đồ tù tui mặc nên anh nói câu mà tui nhớ đời 

“Lên đi thằng ông nội, tui chở về…Không có tính tiền đâu“.

  Làm sao tui quên được câu nói đó.

Người Sài Gòn là như vậy bạn ơi !

Dù bạn sinh quán ỏ đâu, trước 1975 đã sống lâu tại Sài Gòn, bạn vẫn là: 

                          NGƯỜI SÀI GÒN!

 *** Đó là “Người Sài Gòn Xưa”, còn “Người Sài Gòn Nay” thì chẳng biết !!!

Lượm từ trang ký ức của SG xưa

Tuyet Linh 

(Copy nguyên văn)

Fb Nghia Le


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét