Chị Hai Tôi


 CHỊ HAI TÔI 

(Hồi ký - Chu Tú Dung)

      Thuở đôi mươi, chị tôi nổi tiếng là hoa khôi trong xóm. Nhiều công tử đeo đuổi cầu thân, chị tha hồ hoa cài lược giắt, õng ẹo làm cao, đùa nghịch với tình, trêu các chàng như mèo vờn chuột, khiến các chàng ngã nghiêng như liễu rũ, sụp nhanh hơn chuối đổ.

Sau một hồi kén cá chọn canh, chị kết hôn với một chàng đẹp như tài tử, tháo vát, đảm việc, chỉ phải tội khoái lăng nhăng. Hình như cái tính trăng hoa thường được tạo hóa ban cho người có dung mạo dễ nhìn, nhất là bên cánh mày râu. (Ấy! Mấy ông thuộc diện bảnh bao chớ có bất bình, vì lập luận này ám chỉ đa số chứ không quơ đũa cả nắm).

Bởi thế mà, vu qui được chín năm thì giải phóng vào, thế là chị bắt đầu cơ cực. Vì đức lang quân đã bay đến tận khu vườn thứ… ba, để chị chịu cảnh gà mái…  nuôi con. Năm đứa còn quá nhỏ dại, đứa đầu lên mười, đứa cuối chỉ mới lên bốn.

Được cái chị rất chịu khó, càng hận kẻ tình phụ, chị càng ra sức làm, mái tóc thề óng ả giờ rối bù vì không có thời gian săn sóc, ngày xưa chị kẹp giắt bông cài, thì bây giờ cài bằng cái… vá múc canh, không còn áo lượt quần là mà… quần vận gối xăn, chị bận túi bụi… Một tiểu thơ khuê các ngày nào thoạt nhìn những tưởng chỉ biết ăn không biết làm, giờ đã lột xác thay đổi hẳn, chị biến thành một “mệnh phụ… phu xe” có tầm cỡ, làm việc giỏi đến tôi phải lác mắt, chị nhanh nhẹn, tháo vát và ốm nhom như một que tăm.  


Hồi ấy vào thập niên 76, Chị Hai tôi làm việc túi bụi để chạy ăn từng bữa cho các con. Có người bạn hàng xóm rủ chị đi buôn, túng thế, chị đánh liều một chuyến. 

Bước đầu, từ Biên Hòa chị ra tận Phan Thiết mua cá biển về bán dạo. Chị khờ khạo chưa quen việc, Lúc mua, do cá bị đông đá, người bán được lợi vì cân rất nặng kí, đến lượt chị đem về bán thì đá tan, nên bị lỗ to. Riêng bạn chị thì lanh lợi hơn, nhờ khi mua chị ta luôn biết dành cân, nên lúc bán bao giờ cũng có lời.

Bán cá lỗ, chị tôi định nghỉ thì chị Năm hàng xóm rủ chị buôn heo. Chị nghe bùi tai bèn dấn thân vào. Chị đi rảo khắp vùng quê, chịu khó lặn lội ở chốn xa để tìm mua heo giá rẻ, mong lấy công làm lời. Sau một hồi chọn lựa, săn tìm, chị cũng mua được con heo với giá phải chăng.

Đó là thời điểm bị luật “ngăn sông cấm chợ” hành hạ, mình chở gạo, mắm, muối… (dù ít) ở từ địa phương này qua vùng khác cũng bị cấm, cũng thành tội... Lúc đó tôi còn nhỏ, về miền tây xin gạo bà con ăn cũng bị tài xế cấm. Tôi bỏ gạo vô đầy cái lon guigoz, khi tài xế hầm hừ hỏi tôi có đem gạo theo lên thành phố không? Tôi vội mở nắp lon guigoz cho ông xem là “có gạo”, ông nhìn thấy tôi mang nhiêu đó nên tội nghiệp, chịu cho tôi lên xe (nhưng thật ra túi xách đựng quần áo của tôi cũng có lén bỏ vài lít gạo, để y phục xếp nguỵ trang lên trên nên ông không biết. Nhờ vậy tôi có chút gạo để ăn.

Còn chị Hai tôi khi một mình tự liều đi buôn, đã bế con heo chị mua được lên xe đò. Heo lúc này cũng là hàng cấm, khi công an xét họ có thể tịch thu…

Đến lúc qua trạm kiểm, sắp bị chận lại xét. Thấy chị Hai tôi mặt mày xanh như tàu lá chuối, chị Năm hàng xóm tội nghiệp dặn dò:

- Hai à! Không sao đâu, nếu khéo nói thì cũng qua trạm được!

Rồi chị Năm bày: - Khi đến trạm hễ họ hỏi thì mày phải nói là heo này mày mua về… để giống… như vậy họ sẽ tha không bị tịch thu đâu!

Chị tôi làm y theo, chị nói với trưởng trạm:

- Em mua heo này về để giống, mấy anh thông cảm cho em, đừng có tịch thu!

Công an cả trạm đều cười rộ lên, chị tôi ngơ ngác, không hiểu tại sao.

Trưởng trạm cười ha hả bảo:

- Bà nội ơi! Đây là con heo đực đã  thiến, để giống cái quái gì?!...

Thế là con heo bị công an lấy mất. Chị khóc!


Đi buôn heo xem như thất bại, chị tôi giã từ nghề lái heo, xin vào tắm heo ở trại chăn nuôi Thống Nhất của nhà nước. 

Mỗi ngày chị phải đạp xe (tính cả đi lẫn về là hai  mươi bốn cây số). Chị đã phải dậy thật sớm từ khuya để nấu cơm cho lũ trẻ, nấu cám cho heo ăn, giặt thau đồ to đùng, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị dỡ thức ăn mang đi, đến tối mịt mới về tới nhà.

Sau này thỉnh thoảng chị em gặp nhau, chị thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm gian nan xưa cũ và kết luận:

Tụi bây khôn, ở giá hết trơn, vậy mà đỡ khổ! Không bị cảnh gà mái nuôi con lận đận như tao!

(Nếu bạn còn thích xem tôi sẽ viết tiếp, không thì tôi ngưng!)

Chu Tú Dung


Ảnh lấy từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét